Nhiều người biết đến “Trà cung đình Huế” như một thứ đặc sản mang đậm phong vị của xứ kinh kỳ. Nhưng ít ai biết, người làm nên thương hiệu ấy lại không phải là người Huế chính hiệu. Ông Nguyễn Văn Phượng (SN 1969, ngụ thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) vốn chỉ là chàng trai nghèo từ quê hương Thái Bình lặn lội vào xứ Huế bán trà dạo. Nhờ suy nghĩ khác biệt: “Phải đi con đường chưa ai đi, làm thứ người khác chưa ai làm”, đã giúp ông Phượng thành công xây dựng nên thương hiệu trà thảo mộc “Trà cung đình Huế – Đức Phượng” vang danh khắp ba miền như hôm nay.
Từ anh bán trà dạo…
Ông Phượng khởi nghiệp tương đối muộn, khi bản thân đã bước qua tuổi 35. Giờ xấp xỉ 50 tuổi, ông có thể bình tâm nhìn lại con đường gian truân mình đã đi qua, để tự hào khẳng địnhbản thân đã khởi nghiệp thành công. Có được những thành tựu như hôm nay, người đàn ông ấy đã phải đánh đổi không ít sức lực. Bởi, đường đến thành công, có bao giờ chỉ lát toàn hoa hồng?
“Tôi sinh ra ở miền Bắc, nơi nổi tiếng của xứ trà. Nên vốn liếng mang theo vào Huế là lưng ba lô trà Thái Nguyên. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, phần lớn ai ai cũng khổ cực, chứ đâu mỗi mình tôi. Chân ướt chân ráo đặt chân lên đất Huế, tôi thuê một phòng trọ nho nhỏ chừng vài mét vuông, rồi cả ngày cọc cạch đạp xe khắp thành phố bán trà dạo kiếm sống”, ông Phượng nhớ lại những ngày tuổi trẻ gian khổ.Ông Phượng chia sẻ, ông sinh ra ở một vùng quê nghèo tận Thái Bình, trong một gia đình đông anh em. Thuở thiếu niên, ông từng mang giấc mộng muốn trở thành một người cảnh sát nhân dân. Nhưng rồi mộng vỡ, khi ông thi rớt Đại học Công an. Con đường khoa cử chấm dứt, ông xếp lại bút nghiêng, lao vào đời mưu sinh. Không muốn phải quanh quẩn nơi ruộng lúa quê nhà, chàng thanh niên mới bước qua tuổi 18 ấy quyết định rời xa quê hương. Cầm trên tay số tiền ít ỏi bố mẹ chắt chiu dành dụm được từ mùa lúa trước, ông bắt chuyến xe đêm vào Huế, bắt đầu cuộc sống mới nơi đất khách quê người.
Sau khi nên duyên cùng cô gái Huế, chính thức làm rể trên mảnh đất kinh kỳ, cuộc sống của đôi vợ chồng nghèo chẳng có gì khởi sắc. Vợ chồng ông Phượng vẫn tiếp bôn ba bán trà dạo như ngày nào. Phải đến lúc tỉnh có chính sách “gom” người bán dạo, ông Phượng may mắn được cấp một lô rong bạ ở chợ Đông Ba. Đời anh bán trà dạo đến đây mới tạm dừng chân, yên ổn đôi chút.
Gánh nặng cơm áo đè trên vai khiến ông luôn tất bật nơi kẻ chợ. Nhưng trong sâu thẳm lòng mình, chàng trai trẻ quê Thái Bình vẫn luôn ấp ủ giấc mộng vươn lên làm giàu.Nhưng không tiền bạc, không vốn liếng, với đôi bàn tay trắng của mình, chạy ăn từng bữa đã khó thì biết làm giàu bằng cách chi? Ngày đó, phong trào khởi nghiệp chưa phát triển rầm rộ như bây giờ. Ông Phượng nghĩ, muốn khởi nghiệp, phải làm cái gì thật khác, thật lạ, may ra mới thành. Cứ thế, ông luôn suy tư, trăn trở, loay hoay tìm cho mình một hướng đi cho tương lai.Sau năm 2000, Huế bắt đầu mở cửa đón khách du lịch. Ngày ngày,ông Phượng ngồi bán trà lạng ở chợ Đông Ba, thấy khách du lịch vào chợ tham quan ngày một nhiều. Theo bước chân của khách thập phương rời chợ, những món đặc sản của xứ Huế cũng theo bước chân họ mà tỏa đi tứ xứ. Ông Phượng nhận ra, đặc sản Huế ngoài tôm chua, mè xửng, nón lá … mà khách du lịch thường mua về làm quà, dường như lại chẳng mấy liên quan đến xứ sở kinh kỳ, nơi có những lầu son gác tía vang bóng một thời. Và những thứ đặc sản ấy, dường như chẳng mang dáng dấp, hơi thở của những ông hoàng, bà chúa, những đền đài, thành quách nơi đây.
Một ý tưởng táo bạo bỗng lóe lên. “Lúc đó, tôi ấp ủ trong lòng, mình phải làm ra một loại đặc sản độc đáo mang đậm tính chất vùng miền của xứ Huế. Phải làm thứ chưa ai từng làm, phải đi con đường chưa ai từng đi, mới mong thành công được. Tôi buôn bán trà đã nhiều năm nay, nên cũng am hiểu về trà không ít. Tôi nghĩ ngay đến việc tạo ra một loại trà mang dấu ấn của giới quý tộc, vua chúa, cung đình. Để khách đến Huế sau khi tham quan những đền đài, thành quách rêu phong cổ kính, sẽ có dịp thưởng thức hương vị trà mang đậm nét văn hóa cố đô xưa. Nghĩ thì dễ, nhưng bắt tay vào làm chẳng dễ chút nào”, Danh trà xứ Huế chia sẻ.
Ông Phượng vẫn còn nhớ như in khoảng thời gian ông đắm mình trong sách vở, trong các thứ nguyên liệu được tìm kiếm về từ khắp dải đất hình chữ S. Phối chế, rồi lại thử, rồi lại phối chế. Ngày tất bật bán buôn ngoài chợ, đêm nếu không thức trắng đọc sách thì lại loay hoay trong căn phòng nhỏ được ông biến thành “xưởng” chế trà. Ông bảo lúc bấy giờ, ngoài thị trường có rất nhiều loại trà nổi tiếng. Trà được chế biến từ chè xanh, uống tuy ngon, nhưng lại khiến người ta mất ngủ. Đôi lúc uống nhiều còn bị say. Ông nghĩ đến việc phải tạo ra một loại trà, mà muốn uống bao nhiêu cũng chẳng lo mất ngủ, chẳng sợ say, lại tốt cho sức khỏe. Nếu say chăng, cũng là say bởi hương vị ngọt ngào, đằm thắm của nó. Uống một chén trà, lại như uống vào một chén thuốc bổ. Đó mới chính là sản phẩm ông muốn hướng đến.
Chẳng có chút hiểu biết nào về y học cổ truyền, về các vị thảo dược có trong tự nhiên, ông tìm sách để đọc.Trong suốt 2 năm trời, ông đã tìm đọc, nghiên cứu hàng trăm cuốn sách. Đây cũng là khoảng thời gian ông nếm thử, và phối chế cả trăm loại thảo dược khác nhau để tìm công thức cho sản phẩm trà của riêng mình. Có lúc, ông thử trà đến cứng cả lưỡi, căng cả bụng nhưng vẫn không tìm được cách phối chế nguyên liệu ưng ý.Đó là những tháng ngày thực sự gian khổ đối với ông, nhưng cũng là những tháng ngày đầy hạnh phúc. Khi giấc mơ khởi nghiệp đang được ông từng bước hiện thực hóa.
Trà Cung Đình Huế – Danh Trà Đức Phượng
Suốt hai năm ròng rã loay hoay tìm công thức, có lúc tưởng chừng như rơi vào ngõ cụt, có lúc lại tưởng như đã đi đến đích, nhưng rồi vẫn hoàn thất bại. Vậy mà ông chưa bao giờ từng nản chí. “Nếu mình nản chí từ bỏ, chính là từ chối cơ hội để thành công”, ông Phượng khẳng định. Khi những tách trà dùng thử được ông đưa tận tay những vị khách ở chợ Đông Ba, nhận được là những cái gật đầu liên tục, những ánh mắt rực sáng đầy tán thưởng. Ông Phượng mừng rơn. Cuối cùng ông cũng tìm ra được công thức cho thương hiệu trà của chính mình. Sản phẩm “Trà cung đình Huế – Đức Phượng” chính thức chào đời từ đó.Ông Phượng kể, để tạo ra một sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, ngay khi sản phẩm vẫn đang trong giai đoạn “thai nghén”, ông đã mạnh dạn cho nó tiếp cận với người tiêu dùng thông qua cách riêng của mình. Cứ sau một mẻ trà ông kỳ công phối chế suốt đêm, sáng hôm sau ông lại mang ra chợ pha để mọi người dùng thử. Những người buôn bán ở chợ Đông Ba, những khách hàng đến mua sắm, có khi là khách du lịch từ phương xa đến Huế đều được ông chân thành mời uống thử. Sau đó ông lại cẩn thận lắng nghe ý kiến của từng người. Có người chê đắng, có kẻ chê ngọt, người chê chát chê chua, người chê mùi thơm chưa đượm… Mọi ý kiến đều được ông cẩn thận ghi nhớ, sau đó lại trở về điều chỉnh lại công thức.
Tạo ra được sản phẩm, nhưng để đưa sản phẩm ra thị trường, đến tận tay người tiêu dùng lại là một câu chuyện dài khác. Vốn ít, ông chủ thương hiệu Trà cung đình lúc bấy giờ chẳng có tiền để quảng cáo trên ti vi hay báo đài. Ông mang sản phẩm đến ký gửi ở tất cả các cửa hàng có thể ký gửi được. Chính những người bán hàng uống thử thấy ngon, lại đứng ra quảng cáo khách mua. Bằng phương thức quảng cáo truyền miệng đó, sản phẩm trà ông Phượng đã đến với người tiêu dùng một cách nhanh nhất và cũng hiệu quả nhất. Ông Phượng kể, để hiệu quả “bành trướng” cao hơn, ông còn tận dụng đội ngũ xe ôm, xe thồ, xe xích lô, các hãng xe chuyên chở khách du lịch đến Huế “tuyên truyền” về đặc sản trà cung đình, mà ai đến Huế cũng nên mua về làm quà. Chính những vòng xe lăn bánh trên mọi nẻo đường xứ Huế, đã góp phần đưa danh tiếng của trà cung đình vang xa.
Ông Phượng cho hay, sản phẩm “Trà cung đình Huế – Đức Phượng” được ông tinh chế từ 16 vị thảo dược khắp ba miền Nam, Trung, Bắc như Atiso, hoa cúc, cỏ ngọt, hoài sơn, đẳng sâm, đại táo, hồng táo, hồi hoa, cam thảo bắc, hoa lài, hoa hòe, thảo quyết minh, khổ qua, kỷ tử, vối nụ, tim sen. Sau khi bào chế qua các công đoạn bí truyền, trà sẽ được chọn giờ để “sao vàng hạ thổ” theo quy luật âm – dương. Đặc biệt, sản phẩm không sử dụng bất kỳ loại hóa chất phụ gia nào. Các thành phần của trà, được ông Phượng công khai trên bao bì. Có lẽ đó là lí do mà sau này nhiều thương hiệu trà thảo mộc khác cũng đã ra đời và “vô tình” có thành phần na ná như sản phẩm của ông. Thế nhưng, “cái hồn” của “Trà cung đình Huế” thì chẳng mấy ai dễ gì tạo ra được.Kinh doanh ở lĩnh vực liên quan đến ăn uống, vậy nên phương châm của ông Phượng là lấy chất lượng làm đầu. Khi những thương hiệu trà thảo mộc mọc lên như nấm, thì sân chơi cũng ngày một thu hẹp hơn. Nhưng danh trà xứ Huế bảo rằng, ông không sợ cạnh tranh. Khi thị trường càng có nhiều sự lựa chọn, đó cũng là cơ hội để ông khẳng định thương hiệu của chính mình. Bằng chứng là “Trà cung đình Huế” ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và đã phủ sóng trên kháp các tỉnh thành trong cả nước.
Nguồn: https://tamnhin.trithuccuocsong.vn/