1. Đặc điểm của cây ba kích
Quê hương của cây ba kích là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngày nay loài cây này đã xuất hiện và phân bố ở nhiều vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, nhất là ở những khu vực đồi núi cao. Ở Việt Nam chúng ta có thể bắt gặp ba kích ở vùng núi và trung du Bắc bộ như Quảng Ninh, Hà Giang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hà Nội,… Cây thường ra hoa vào tháng 5 – tháng 6 hàng năm. Và mùa quả ba kích là vào khoảng tháng 7 – tháng 10.
Người ta thường thu hoạch và chế biến ba kích để ngâm rượu thuốc hoặc làm dược liệu chữa bệnh. Trong đó, phần rễ chính là bộ phận được sử dụng nhiều nhất vì mang lại giá trị dược lý cao. Tuy vậy phải mất một khoảng thời gian chờ đợi khá lâu – khoảng 3 năm thì mới có thể thu hoạch được vụ rễ đầu tiên.
Tháng 10 là thời điểm thích hợp nhất để thu hoạch ba kích. Muốn lấy được toàn bộ phần rễ thì người ta phải đào rộng xung quanh gốc cây. Rễ ba kích được cho là đạt chất lượng khi có kích thước lớn, khỏe mạnh và cùi dày.
2. So sánh các loại ba kích
Ba kích có 2 loại là ba kích trắng và ba kích tím:
-
Ba kích trắng: phần vỏ bên ngoài có màu vàng nhạt, bên trong thịt màu trắng. Khi ngâm loại ba kích này với rượu thì sẽ không đổi màu. Loại này khá dễ tìm và giá thành rẻ nhưng hiệu quả lại không cao bằng ba kích tím;
-
Ba kích tím: màu sắc của vỏ thường đậm hơn ba kích trắng, đồng thời thịt bên trong có màu tím hoặc ánh tím. Ngâm rượu với ba kích tím sau một thời gian có thể thấy rượu đổi sang màu tím. Tất nhiên vì khó tìm và giá trị dược lý cao hơn nên loại này sẽ có giá thành mắc hơn.
3. Rượu ba kích đem lại những tác dụng nào?
Tăng cường sinh lý cho đấng mày râu:
Trong rượu ba kích có chứa sắt, kẽm và hoạt chất anthraglycosid hỗ trợ tăng cường sinh lý cho đàn ông. Cụ thể, những chất này giúp thay đổi tinh dịch và gia tăng lượng tinh trùng và bảo vệ ADN của tinh trùng trước các tác động có hại.
Không chỉ có vậy, rượu ba kích còn là bài thuốc có công dụng bồi bổ cho những trường hợp bị suy nhược thể lực hay rối loạn cương dương. Tuy nhiên đối với nam giới ít tinh dịch hoặc khi xuất tinh không có tinh trùng thì sử dụng rượu ba kích cũng chưa ghi nhận là có hiệu quả.
Củng cố hệ miễn dịch của cơ thể:
Nhờ hàm lượng khoáng chất và vitamin cao mà rượu ba kích giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Một thí nghiệm đã được tiến hành trên chuột đã cho thấy ba kích làm tăng độ dẻo dai, sức mạnh và đề kháng đối với độc chất. Ngoài ra, trong ba kích còn chứa vitamin B1 giúp cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể khi tham gia các hoạt động hàng ngày.
Chức năng giảm sưng, kháng viêm:
Bên cạnh khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch mà rượu ba kích còn có tác dụng chống viêm, thúc đẩy quá trình tăng sinh mô liên kết nhờ vitamin C chứa nhiều trong ba kích. Điều này tạo điều kiện để vết thương chóng lành hơn.
Gia tăng tính dẻo dai và có tác động tích cực tới hoạt động của hệ nội tiết:
Một số nghiên cứu ghi nhận trên chuột nhắt cho thấy rằng vị thuốc làm tăng sức dẻo dai cũng như thúc đẩy quá trình sản sinh androgen-một hormone điều chỉnh sự phát triển và duy trì đặc tính nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên người về vấn đề này vẫn còn hạn chế, cần được mở rộng thêm.
Kiểm soát triệu chứng tăng huyết áp:
Hiện nay có không ít người mắc phải bệnh tăng huyết áp và đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các bệnh lý về tim mạch. Theo thí nghiệm trên loài chuột thì nước sắc ba kích giúp ổn định huyết áp của chúng.
Rượu ba kích giúp làm chậm quá trình loãng xương, tăng cường gân cốt:
Hợp chất anthraquinone và choline có trong rượu ba kích giúp hỗ trợ cơ xương khớp, hạn chế tình trạng loãng xương, đau khớp cũng như tê bì chân tay một cách hiệu quả.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa và kích thích tinh thần sảng khoái hơn:
Nếu dùng rượu ba kích với một liều lượng hợp lý thì sẽ có tác dụng hỗ trợ tiêu hoá, tăng cảm giác ngon miệng hơn bởi rượu giúp cung cấp một lượng chất vi sinh dồi dào nhờ quá trình lên men khi ngâm rượu. Không chỉ có vậy, con người cũng sẽ trở nên hưng phấn, kích thích hơn khi có sự tác động của men rượu.
4. Hướng dẫn sử dụng rượu ba kích và một số lưu ý khi dùng
Rượu ba kích nên được uống với liều lượng phù hợp. Điều này giúp hạn chế các tác dụng phụ cũng như phát huy tối đa các công dụng mà rượu ba kích đem lại. Mỗi ngày bạn nên dùng từ 4 – 10g ba kích, còn đối với rượu ngâm thì uống khoảng 30ml/lần, uống khoảng 2 lần/ngày và nên sử dụng sau khi ăn no.
Mặc dù rượu ba kích mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe con người, tuy nhiên khi sử dụng rượu ba kích, mọi người cần lưu ý những điều như sau:
-
Phụ nữ mang thai và đang cho con bú, trẻ em không được sử dụng. Vì trong rượu ba kích có chứa một loại hoạt chất gây co bóp tử cung, đồng thời men rượu cũng không tốt cho sự phát triển thần kinh của trẻ nhỏ;
-
Những người bị dị ứng hoặc mẫn cảm với bất kỳ hoạt chất hoặc thành phần nào có trong rượu ba kích cũng không nên sử dụng;
-
Những người đang gặp các tổn thương ở cơ quan khác như thận, gan,… không phải là những đối tượng thích hợp để sử dụng rượu ba kích;
-
Những người dễ bị nóng trong người, miệng khô, hay khát nước, táo bón, suy nhược cơ thể nghiêm trọng, tiểu tiện không thông,… cũng không nên dùng sản phẩm này.
Nhìn chung, rượu ba kích là một loại đồ uống phổ biến của người Việt Nam, đặc biệt là nam giới khá ưa chuộng nó vì hương vị thơm ngon và những lợi ích đối với sức khỏe do rượu ba kích đem lại. Tuy nhiên mọi người cần uống với liều lượng hợp lý để tránh gây ra những tác dụng phụ không mong muốn do rượu.